Chè đậu ván hương quê

Nghỉ phép tôi về quê thăm mợ, đón ly chè đậu ván từ bàn tay gầy gò mà nghe lòng rưng rưng. Vẫn vị ngọt lịm, mát lành mà dẫu có thưởng thức rất nhiều món chè thanh tao nơi phố thị tôi cũng không tìm ra.

Mát lạnh ly chè đậu ván - Ảnh: T.L.

Mát lạnh ly chè đậu ván – Ảnh: T.L.

Ngày còn ở quê, nhà nghèo nên bố mẹ đi làm ăn xa, chị em tôi phải sống nhờ nhà mợ. Tôi thường cùng mợ lên rẫy chăm đám khoai, luống rau, luống đậu. Bên cạnh các loại đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh… mợ dành riêng một vạt rẫy để trồng đậu ván. Đến mùa vụ, những hạt đậu trắng, to bằng đầu ngón áp út được mợ hái về phơi khô để dành dùng quanh năm.

Mỗi khi nhà có giỗ chạp, cúng quải thế nào mợ cũng nấu món xôi cách điệu thêm những hạt đậu ván căng tròn. Vị béo, ngọt của đậu ván lẫn chút thơm thanh tú của nếp vụ mới tan dần trong miệng, thật là tuyệt. Những hôm nhà có khách, mợ đãi món hầm (gà, vịt… ) nhất thiết phải thêm vài hạt đậu ván mới đúng điệu. Nhưng với tôi, không biết từ bao giờ lại ghiền hương vị ngọt ngào, mát lịm pha lẫn mùi cay nồng của gừng từ món chè đậu ván mợ nấu.

Nguyên liệu làm nên chè đậu ván vốn khá giản đơn, gắn liền với tên gọi của nó. Chỉ chừng vài lon đậu, ít lát gừng, đường cát vừa trắng (đủ để chè có màu hơi vàng). Bao giờ cũng thế, mợ chọn những hạt đậu căng tròn, lựa bỏ hạt lép hoặc sâu rồi ngâm qua nước ấm. Mươi lăm phút sau khi đậu hơi mềm, dùng tay nhẹ nhàng bóc lớp màng lụa bên ngoài.

Hạt đậu bây giờ đã trắng tròn mơn mởn được rửa qua nước sạch để ráo. Công đoạn tiếp theo là hấp cách thủy đậu. Đậu sau khi chín thả vào nước đường đun lửa vừa, khéo léo khuấy nhẹ để không bị nát. Hôm nào nhạt miệng, muốn đậu có vị ngọt đậm hơn, mợ phải xào kỹ với đường kính sau đó thả vào nước đường.

Nấu nước đường làm chè cũng là một nghệ thuật, sao cho nước có màu trong, vị ngọt thanh, thơm nồng của gừng. Trước khi ăn, mợ mang cả nồi chè ướp lạnh rồi múc vào từng ly nhỏ. Nhìn những hạt đậu tươi tròn đều tăm tắp dưới đáy bát, màu hơi ngả sang vàng ngà, người ăn không nỡ vội vàng mà chậm rãi thưởng thức từng hạt mới cảm nhận hết hương vị mà có lẽ chỉ có ở những vùng quê.

Đăng tin: Văn Lâm

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Chè bột nếp “Tết Trung nguyên”

Bà ngoại tôi “rời” mẹ tôi đúng vào ngày lễ Vu lan khi mẹ vừa chớm tuổi thiếu nữ. Mỗi năm đến lễ Vu lan mẹ tôi lại bần thần nhớ về ngoại. Gia đình tôi đã chọn cách gọi Tết Trung nguyên thay vì lễ Vu lan trong những ngày rằm tháng 7 hằng năm để mẹ bớt đau lòng và biến ngày này trở thành ngày sum họp trong gia đình, cả nhà làm chè bột nếp “mời” ngoại…

Chè

Chè “Tết Trung nguyên” của gia đình tôi – Ảnh: M.H.

Bà ngoại hiện hữu trong trái tim mỗi chúng tôi theo những hồi ức của ông ngoại tôi, theo những tiếng nấc nghẹn của mẹ mỗi khi kể về người.

Với chị em tôi, bà khi là người phụ nữ chân chất, thật thà như đếm, người ta bỏ quên cả xách tiền ngay trước mặt mình, thay vì ôm ngay về nhà thì ngoại lại ngồi tại chỗ đợi người ta cả đêm để gửi lại cho họ – theo lời kể dí dỏm của ông ngoại; khi lại là người mẹ ngọt ngào nhất, yêu thương con bằng tất cả trái tim theo lời kể của mẹ.

Nhưng có một điểm chung trong mỗi hồi ức của ông ngoại và mẹ tôi về bà đó là người có tài nấu chè bột nếp rất ngon.

Ngày giỗ đầu tiên của ngoại, món ăn không thể thiếu trong mâm giỗ là những chén chè bột nếp do chính tay mẹ tôi và ông ngoại nhào nặn nên. Chén chè lần đầu ấy lẫn lộn giữa bột nếp, đậu xanh bị vỡ nát bởi làm không quen và chứa chan nước mắt của mẹ và ông khi nhớ về bà.

Theo thời gian hình ảnh đặc quánh nỗi buồn của người đàn ông trung niên và cô con gái trẻ đã được thay vào hình chí chóe nhau của chúng tôi khi nặn bột, hình ảnh ba tôi vụng về nặn bánh, ông ngoại tôi mỉm cười nhẹ nhõm.

Bây giờ món chè Tết Trung nguyên của gia đình tôi được làm rất tròn trịa, như một dịp để mọi người quây quần bên nhau.

Đêm trước ngày lễ, mẹ tôi thường cho ngâm đậu xanh trước để đậu mềm ra, đãi vỏ thật sạch làm nhân cho món chè bột nếp. Nấu chín đậu, quết đều tay cho đậu thật mịn. Phi hơi vàng hành tím với dầu, cho đậu xanh đã quết mịn vào xào, đảo đều. Sau đó cho một ít đường, một ít muối trộn đều với nhau khoảng 5 phút trên lửa vừa để đậu vừa có vị béo của dầu ăn, thơm thơm của hành phi, ngòn ngọt của đường, mằn mặn của muối. Sau đó vo viên vừa ăn.

Những năm trước đây để có bột nếp nấu chè, mẹ phải tự tay ngâm nếp đem xay. Nhưng nay mẹ chọn mua loại bột nếp thơm đóng gói sẵn cho một ít nước sôi vào trộn cho nước ngấm vào bột, nhồi bột cho mịn, khi nào thấy bột quện thành hỗn hợp dẻo là được. Chia bột thành từng viên nhỏ, ấn hơi dẹt, cho nhân vào gói kín.

Khi gói chúng tôi thường chấm một ít dầu đã phi hành sẵn trên tay để bột không bị dính lại vào tay dễ gây ra vỡ bánh khi đã cho nhân vào.

Những chiếc bánh bột nếp này sẽ được nấu chín, vớt ra cho đảo qua với nước lạnh để không bị dính cục. Món chè đặc biệt này mẹ tuyệt đối chỉ nấu với đường phèn, sau khi đường tan trong nước sôi, bột nếp sẽ được cho vào cùng gừng giã nhuyễn.

Nấu sôi nhẹ cho nước đường phèn thấm vào bột bánh, mùi thơm của gừng đủ quyện vào trong từng chiếc bánh bột nếp là có thể nhắc xuống, hoàn thành món chè bột nếp ngon lành “mời” bà ngoại tôi trong ngày lễ Vu lan, trong ngày Tết Trung nguyên của gia đình tôi.

Đăng tin: Văn Lâm

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Chè bột lọc bọc thịt heo quay

Chè bột lọc bọc thịt heo quay

Chè bột lọc bọc thịt heo quay

Bột lọc dùng để làm các món ngọt như bánh hoặc chè, thường được vo tròn thành những viên nhỏ, khi nấu chín bột từ màu trắng đục thành màu trắng trong, ăn với nước đường.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Thịt heo quay là món ăn mặn được dùng trong dịp giỗ chạp, hay các bữa cơm gia đình. Hai món ngọt và mặn này tuy khác nhau nhưng lại được kết hợp thành một món chè bột lọc thịt heo quay rất ngon.

Để có một nồi chè bột lọc nhân thịt heo quay, nguyên liệu gồm có bột lọc (bột năng, bột khoai mì) thịt đùi heo quay, đường, mè rang vàng giã nhuyễn, gừng non cắt sợi.

Thịt đùi heo quay cắt hạt lựu, trộn đường phèn, đổ nước vào (xăm xắp mặt) đặt lên bếp rim nhỏ lửa cho thịt ngấm đường, (nước đường rim xong đổ bỏ vì có màng mỡ) vớt ra đem phơi nơi bóng râm để thịt heo trở nên trong. Khi thịt trong mới trộn vào một ít ngũ vị hương để nhân có mùi thơm đặc trưng.

Bột lọc chọn mua loại tốt, dáo (nhồi) với nước ấm thật mịn, dẻo, không dính tay là được. Vo bột thành từng viên nhỏ cỡ ngón tay cái, cho nhân thịt vào giữa xếp trên dĩa. Tiếp đến là công đoạn sên nước đường. Đường phèn cho vào nồi đun lửa nhỏ, khi đường đã ngả sang màu vàng mới châm thêm nước lọc. Đợi nước đường sôi, thả nhẹ từng viên bột vào. Khi viên bột chín sẽ trong và nổi lên, vớt bọt để nồi chè trong, trước khi tắt bếp nhớ cho gừng vào.

Múc chè ra chén, rắc thêm mè rang, thưởng thức ngay khi vừa nấu hoặc dùng nguội đều ngon. Bột trong dai giòn cộng với vị ngọt thanh của đường phèn, vị béo của thịt làm cho món chè bột lọc bọc thịt heo quay mang hương sắc riêng, không lẫn vào đâu được.

Nguồn tin: Phụ nữ Online

Cháo gạo đỏ cá bống thệ

Cháo gạo đỏ cá bống thệ

Cháo gạo đỏ cá bống thệ

Ở Huế, điểm tâm hay ăn khuya có một món bình dân nhưng rất thanh tao, khá ngon miệng và hợp dinh dưỡng đó là cháo gạo đỏ ăn với cá bống thệ kho rim.

Cháo gạo đỏ và cá bống, tôm kho rim – Ảnh: THÁI LỘC

Gạo đỏ dùng để nấu cháo là gạo đặc biệt – người địa phương gọi là gạo hẻo rằn hay gạo chiêm – được xay xát vừa phải để còn lớp cám mỏng quanh hạt.

Có người dùng luôn gạo lứt để khi nấu hạt cháo ít nát và giữ được mùi thơm béo đặc thù của loại gạo quý này. Nồi cháo gạo hẻo rằn dành riêng để ăn với cá bống thệ kho rim phải được nấu theo “ kiểu Huế ”, rất công phu và tốn thời gian: cho nhỏ lửa và đun lâu, hạn chế đảo quậy để hạt gạo nở to, mềm nhưng không bị nát nhừ như khi nấu các loại cháo cá khác.

Cá bống ở VN có khá nhiều loại to nhỏ khác nhau như: bống tượng, bống dừa, bống đao, bống kèo, bống bùn (cá thòi lòi), bống cát, bống mũ, bống sao, bống trứng… Riêng cá bống kho khô để ăn với cháo ở Huế là loài cá bống thệ.

Cá bống này có tên như thế vì thường đánh bắt được ở nơi nước chảy xoáy (thệ thủy: nước xoáy) như vùng Vỹ Dạ, Truồi… Cá bống thệ to hơn cá bống cát sông Trà Khúc, phần thân cá bống thệ rất giống cá thòi lòi miền Nam.

Cá bống đánh bắt về rửa sạch, làm ruột, giữ lại trứng, ướp mắm muối, tiêu… khoảng nửa giờ mới đem kho rim – kho ít nước, lửa liu riu nên thời gian kho rất lâu như rim mứt – với thịt heo mỡ thái nhỏ; kiểu kho rim này gần giống kho tộ của miền Nam.

Nồi cá bống thệ được nêm rất nhiều ớt chín đỏ để nguyên trái (không dùng ớt xanh vì sẽ xỉn màu, xấu nồi cá), rau răm và đường bát chẻ thành viên, điểm đặc biệt là không bao giờ nêm thêm bột ngọt hoặc ruốc như khi kho các loại cá khác.

Khi dọn ra đĩa, thịt cá bống thệ thường vàng ươm, gần như trong suốt, còn thân cá săn cứng và cong lại như chữ C, người Huế gọi “cá ngó đuôi” là đúng kiểu.

Dưới góc độ ẩm thực và dinh dưỡng, món cháo gạo đỏ cá bống thệ kho rim đúng là một món ăn ngon và độc đáo: vừa rất đặc hữu địa phương (con cá và cách rim) vừa có giá trị dinh dưỡng tốt. Theo kinh nghiệm địa phương và đông y, cháo gạo đỏ cá bống thệ rất hiền, có thể dùng cho người bình thường, người già và cả người bệnh.

Đăng tin: Văn Lâm

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Chả nhái

Chả nhái

Chả nhái

Nếu đã nhiều lần ra Hà Nội, chắc hẳn bạn sẽ nghe qua món chả nhái – cái tên chỉ mới nghe qua cũng khiến không ít người nổi da gà.

Vốn dĩ là một món ăn nổi tiếng của miền Bắc nhưng chỉ có ở Hà Nội người ta mới có cách chế biến độc đáo, mang lại hương vị đậm đà, đặc trưng và quyến rũ cho món chả nhái.

Có lẽ nhiều người đã từng nếm qua các món làm từ ếch, cóc nhưng nhái thì mấy ai biết đến. Cũng phải bởi món ăn làm từ ếch, cóc thì rất đa dạng, phong phú tuy nhiên món ăn rất giàu chất đạm làm từ nhái thì hẳn nhiều người chưa nếm, thậm chí chưa một lần nghe tới. Thế nhưng, nếu ai đã một lần thưởng thức món này chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên hương vị thơm ngon, giòn tan của nó.

Để làm món chả nhái cũng cực chẳng kém so với cóc, ếch. Nếu món thịt chó được độc quyền với cái tên “cầy tơ 7 món” thì nhái cũng có thể chế biến được thành 7 món khác nhau.

Nào nhái tẩm bột rán giòn, nhái tẩm gia vị chiên cả con, lẩu nhái, nhái xào sả ớt… Trong đó, chả nhái là món chế biến cầu kì nhất nên cũng được mọi người tấm tắc cho là ngon nhất, kể ra thì cũng bõ công người làm.

Công phu người làm

Để làm được món chả nhái đúng điệu, nhái sau khi bắt về phải được rửa sạch, đem lột da (sau khi lột da thì tuyệt nhiên không được rửa lại bằng nước vì nếu có nước vào món chả sẽ mất đi mùi vị đặc trưng của nó), sau đó đem băm nhỏ cả thịt lẫn xương lại cho vào cối giã nhuyễn như giã giò. Càng giã nhuyễn bao nhiêu thì khi ăn càng ngon bấy nhiêu. Thịt nhái phải được quết làm sao để chày dính bết vào thịt, lúc đó mới thực sự nhỏ mịn.

Công đoạn tiếp theo là tẩm ướp gia vị cho thịt thấm trước khi chiên giòn.

Cũng giống như thịt gà, món chả nhái phải dùng nhiều sả, lá chanh và ớt thì mới có mùi vị thơm ngon, không nhầm lẫn với bất kì món nào.

Sả, lá chanh, ớt bằm thật nhỏ mịn rồi đem trộn với muối, bột ngọt, đường, tiêu, nước mắm sau đó đem quết với thịt nhái cho thấm gia vị rồi trộn với một chút bột chiên tôm để miếng chả được phồng, giòn khi chiên. Cũng có nhiều người thêm vào một chút thì là băm nhỏ để mang lại mùi vị mới cho món chả nhái này.

Lại nói về cách chiên chả nhái. Để có món chả nhái thật sự vàng ươm, phồng nở, giòn rụm phải để dầu sôi thật già, chỉnh lửa đúng nhịp, khi chiên nhất định miếng chả phải ngập trong dầu thì mới phồng to lên được, như vậy chả mới ngon, thơm khi thưởng thức.

Một điểm nữa để tạo nên nét đặc trưng cho món chả nhái là nước chấm đi kèm. Những người sành ăn thì cho rằng nước chấm món chả nhái hợp nhất là có thêm mùi cà cuống.

Tuy nhiên, một chén nước chấm món chả nhái nhất thiết phải hội tụ đủ 5 màu sắc đỏ, xanh, vàng, nâu, đen của các loại gia vị ớt, rau thơm, nước chấm, hạt tiêu, cà cuống thì mới đạt tiêu chuẩn.

Sắc màu cho chả nhái

Vừa lòng người ăn

Coi vậy chứ chả nhái không hề kén người ăn. Hầu như nó làm hài lòng với mọi lứa tuổi. Nếu những cụ già răng yếu chân run vẫn ăn được món chả nhái giòn rụm, mềm mịn bởi công sức giã thịt của người làm thì đám thanh niên, dân nhậu lại tấm tắc, gật gù bởi mùi vị và sự hòa quyện tuyệt vời của nó với vị cay, nồng của rượu, của bia.

Trẻ em cũng không ngoại lệ. Tay cầm miếng chả nhái vàng ươm cũng đủ để giữ chân những đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm nhất. Với phụ nữ, chả nhái chẳng những là món ăn cung cấp lượng chất đạm phong phú mà còn là món ăn ưa thích.

Nhưng cầm miếng chả nhái vàng ruộm bạn cũng khoan vội thưởng thức mà hãy rắc thêm chút lá chanh xắt sợi để làm món ăn thêm dậy mùi. Nhẹ nhàng đưa miếng chả lên gần miệng, hít hà vị béo giòn, thơm ngậy khiến cho các thần kinh căng lên, nước miếng ứa đầy trong miệng.

Khi ăn nhất thiết phải cắn sao cho miếng chả ngập hơn phân nửa trong miệng, khi cắn nghe phập một tiếng để miếng chả giòn tan ngay trong miệng. Đó mới chính là lúc cảm nhận hết được mùi vị thơm ngon, đặc trưng của món ăn này.

Màu vàng của chả, màu đỏ của ớt, xanh của rau, lấm tấm màu của gia vị vàng làm cho món chả nhái thêm bắt mắt. Mùi thơm nồng nàn, lan tỏa, xộc ngay vào mũi không thể cưỡng khiến bạn chỉ muốn nhón một miếng bỏ vào miệng để thoả mãn sự thèm thuồng. Ăn một miếng muốn miếng thứ hai, càng ăn càng thấy thích. Càng ăn bao nhiêu càng ghiền bấy nhiêu tưởng chừng như không biết ngán.

Đăng tin: Văn Lâm

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Chả gà Tiểu Quan – dân dã ẩm thực Phố Hiến

Chả gà Tiểu Quan - dân dã ẩm thực Phố Hiến

Chả gà Tiểu Quan – dân dã ẩm thực Phố Hiến

Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với nhãn lồng mà còn được biết đến với chả gà Tiểu Quan – món ăn dân dã ngay từ tên gọi, nguyên liệu đến cách chế biến và phong thái thưởng thức.

Chả gà Tiểu Quan

Chả gà Tiểu Quan là món ăn nổi tiếng, có xuất xứ từ thôn Tiểu Quan, thuộc xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Người già trong thôn kể lại rằng ngày xưa vào mỗi dịp lễ tết, dân ở đây không có thức gì ngon ngoài mấy con gà vườn nhà. Để chế biến ra nhiều món lạ miệng, những người phụ nữ đã sáng tạo và truyền nhau cách làm món chả gà. Vì có hương vị thơm ngon, lạ miệng nên không lâu sau món ăn này đã được người khắp vùng biết đến.

Chả gà Tiểu Quan được làm cầu kỳ từ việc chọn nguyên liệu đến từng công đoạn. Công đoạn nào cũng thể hiện nét dân dã, đặc trưng đồng nội của người vùng quê.

Bãi cỏ xanh mơn mởn ven làng là nơi người quê nuôi thả những chú gà to khỏe. Gà nuôi béo, cao, thịt chắc sẽ được chọn làm món chả gà. Đặc biệt hơn, phải dùng thịt gà nạc, tách bỏ hết da, xương.

Ở món chả gà truyền thống, người ta thường dùng cối đá để giã bởi thịt sẽ mịn hơn. Người giã phải biết ước lượng để dừng lại đúng lúc. Nếu dừng sớm quá chả sẽ không mềm, mịn, nhưng giã kỹ quá thì sẽ bị nát. Lúc giã cũng nên cho gia vị vào giã cùng để chả đậm và đều vị hơn… Ngoài ra, còn có vỏ quýt khô được giã nhuyễn, trộn đều với thịt để món ăn thêm vị cay và thơm đặc trưng.

Công cụ để làm chả gà truyền thống còn có vỉ nướng làm bằng tre và chiếc mo cau để phết thịt lên vỉ khi nướng. Khi phết thịt nướng cần tinh ý để trải thịt đều, không quá mỏng cũng không quá dày. Nếu phết mỏng quá thịt sẽ dễ bị chảy qua khe vỉ, trong khi dày thì khó nướng chín chả.

Do làm chả gà dễ bị khô và sát nên người xưa thường cho thêm chút mỡ lợn trộn cùng với thịt đã nhuyễn để nướng. Đặc biệt, với người làng Tiểu Quan xưa, để có được lát chả gà thơm nhất thì phải dùng củi từ thân và cành nhãn khô.

Chả gà thường được ăn kèm với xôi, cơm trắng, được xem là một trong những món chính trong mâm cỗ ngày tết. Trong cái lạnh đầu đông, thật thú vị khi gia đình được quây quần quanh bếp nướng, thưởng thức và cảm nhận vị thơm của thịt gà, vị béo của mỡ phần và vị cay của vỏ quýt…

Từ những nguyên liệu từ đồng quê, chả gà Tiểu Quan nay là một trong những món ăn hấp dẫn của văn hóa ẩm thực Hưng Yên. Trong thời buổi hiện đại, dù không thiếu sơn hào hải vị và công cụ làm món chả gà Tiểu Quan cũng được cải tiến nhiều, nhưng một đĩa chả gà có giá trị hơn hẳn vì đó là tình cảm của mẹ, của bà dành cho cả gia đình vào mỗi dịp gia đình đoàn tụ.

Và nếu muốn được thưởng thức hương vị ấy, bạn hãy thử tìm về làng Tiểu Quan một lần.

Đăng tin: Văn Lâm

Chà bông tôm khô

Lâu nay các bà nội trợ vẫn quen dùng thịt heo, thịt gà làm chà bông. Ở Phú Quốc – Kiên Giang có một loại chà bông làm từ tôm với hương vị rất thơm ngon, được nhiều khách du lịch ưa thích.

Chà bông tôm khô

Chà bông tôm khô

Cách làm chà bông tôm cũng gần giống với chà bông thịt. Chỉ có điều tôm làm chà bông không dùng tôm tươi mà phải là tôm khô. Tôm khô chọn loại con to, ngâm nước cho nở mềm, vớt ra để ráo (nước ngâm tôm dùng để nấu canh rau mồng tơi rất ngon). Để tôm nhanh mềm và đậm đà, trong lúc ngâm có thể cho thêm ít muối vào.

Tôm cho vào cối giã nát, nếu muốn nhanh thì cho tôm vào máy xay. Tôm giã bằng tay sợi chà bông sẽ đẹp và bung nở hơn so với tôm xay bằng máy. Đặt chảo trên bếp, để chảo thật nóng, vặn nhỏ lửa, trút thịt tôm đã giã vào sao (rang). Nếu sao quá lửa chà bông tôm sẽ bị cháy mất ngon, sao non (ít) lửa chà bông tôm sẽ mềm, không khô ráo, dễ chảy nước và khó bảo quản.Lúc sao chà bông tôm nhớ đảo nhanh tay và đều, khi thấy các thớ thịt tôm đã tơi, cho thêm một chút hỗn hợp nước mắm đường vào để tăng thêm phần đậm đà. Tiếp tục sao cho đến khi chà bông tôm khô nổi màu vàng đỏ là được. Để nguội, cho chà bông vào hũ thủy tinh dùng dần.

Chà bông tôm có thể dùng với cơm nắm, bánh mỳ, xôi, bánh bèo…rất ngon. Lâu nay các bà nội trợ vẫn quen dùng thịt heo, thịt gà làm chà bông. Ở Phú Quốc – Kiên Giang có một loại chà bông làm từ tôm với hương vị rất thơm ngon, được nhiều khách du lịch ưa thích.

Cách làm chà bông tôm cũng gần giống với chà bông thịt. Chỉ có điều tôm làm chà bông không dùng tôm tươi mà phải là tôm khô. Tôm khô chọn loại con to, ngâm nước cho nở mềm, vớt ra để ráo (nước ngâm tôm dùng để nấu canh rau mồng tơi rất ngon). Để tôm nhanh mềm và đậm đà, trong lúc ngâm có thể cho thêm ít muối vào.

Tôm cho vào cối giã nát, nếu muốn nhanh thì cho tôm vào máy xay. Tôm giã bằng tay sợi chà bông sẽ đẹp và bung nở hơn so với tôm xay bằng máy. Đặt chảo trên bếp, để chảo thật nóng, vặn nhỏ lửa, trút thịt tôm đã giã vào sao (rang). Nếu sao quá lửa chà bông tôm sẽ bị cháy mất ngon, sao non (ít) lửa chà bông tôm sẽ mềm, không khô ráo, dễ chảy nước và khó bảo quản.

Lúc sao chà bông tôm nhớ đảo nhanh tay và đều, khi thấy các thớ thịt tôm đã tơi, cho thêm một chút hỗn hợp nước mắm đường vào để tăng thêm phần đậm đà. Tiếp tục sao cho đến khi chà bông tôm khô nổi màu vàng đỏ là được. Để nguội, cho chà bông vào hũ thủy tinh dùng dần.

Chà bông tôm có thể dùng với cơm nắm, bánh mỳ, xôi, bánh bèo…rất ngon.

Nguồn tin: Phụ nữ Online

Cây chè

Cây chè

Cây chè

Cây chè được coi là một trong những cây dài ngày có mặt rất sớm ở Lâm Đồng và hiện có diện tích lớn nhất nước. Từ năm 1927, người Hà Lan đã bắt tay xây dựng Sở trà Cầu Đất (xã Xuân Trường, Đà Lạt) với quy mô khai khẩn là 1.000ha. Năm 1930, Sở trà Cầu Đất được chuyển giao cho Công ty PIT (Plantation Indochinoise de Thé) của Pháp. Từ sở trà này cây chè phát triển ra khắp vùng Lâm Viên và cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc. Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích chè 25.455ha phân bổ ở Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và Bảo Lộc; trong đó Bảo Lộc và Bảo Lâm chiếm một diện tích lớn (gần 20 ngàn ha).

Từ những năm 1995 trở về trước, giống chè trồng ở Lâm Đồng chủ yếu là giống chè lai tạp trồng bằng hạt nên năng suất không cao. Liên tục nhiều năm qua, một cuộc cách mạng về giống chè đã làm thay đổi chất lượng trên các vườn chè của Lâm Đồng. Đó là các giống chè mới: TB 14, LĐ 97, LDP.1, Kim Xuyên, Tứ Quý, Thuý Ngọc, Ô Long,… trồng trên diện tích 7.215ha, chiếm 28,6% tổng diện tích chè hiện có.

Hiện nay, toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp chế biến kinh doanh trà, riêng Công ty Chè Lâm Đồng có 7 nhà máy chế biến và 1 liên doanh với công suất 5.500 – 7.500 tấn sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, 20 công ty đầu tư nước ngoài chế biến 7.000 – 8.000 tấn sản phẩm/năm, tương đương với 35.000 – 40.000 tấn chè búp tươi. Ngoài ra, cả tỉnh có trên 70 danh trà, công suất chế biến bình quân 1.500 kg chè tươi/ngày/cơ sở. Sản phẩm chè chế biến chủ yếu là chè đen OTD và khoảng 15% là chè xanh.

Theo kế hoạch phát triển của cây chè, đến năm 2010, Lâm Đồng sẽ nâng diện tích chè toàn tỉnh lên mức 26.000 – 28.000 ha, trong đó chè cao sản và chè chất lượng cao chiếm khoảng 48% -50%, năng suất bình quân 90 tạ/ha và sản lượng 211.500 – 252.000 tấn chè búp tươi/ năm. Một số dự án trồng mới chè chất lượng cao được triển khai ở Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc và Bảo Lâm với quy mô 4.000 – 5.000 ha, đồng thời chuyển đổi khoảng 6.500 ha chè hạt sang chè cành. Hiệp hội Chè Việt Nam và cả các nước bạn khi đến Bảo Lộc cũng ghi nhận Bảo Lộc là “thủ đô chè” của Việt Nam bởi đây là “cái rốn” chè của Lâm Đồng. Nhiều danh trà lớn tồn tại hàng mấy chục năm như: Cầu Đất, Minh Rồng, Đỗ Hữu, Quốc Thái, Thiên Hương, gần đây là Trâm Anh, Tâm Châu, Haji, Fushen,… với các sản phẩm chè được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

CÂY CÀ PHÊ

Lâm Đồng có trên 200.000ha đất bazan phân bổ ở Bảo Lộc, Di Linh và một phần ở Đức Trọng, Lâm Hà, Đà Lạt phù hợp với cây công nghiệp dài ngày, nhất là cây cà phê. Do đó, đối với cây công nghiệp dài ngày của Lâm Đồng, đứng đầu bảng về diện tích phải nói tới cây cà phê, bởi cây công nghiệp cà phê có ưu thế về giá cả, sản xuất cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó hình thành các vùng sản xuất lớn cây cà phê trong những năm qua là tất yếu.

Ở Lâm Đồng có thể trồng được cả 3 chủng loại cà phê: Arabica, Robusta và Charri với chất lượng tốt, đặc biệt là chủng loại cà phê Arabica ở Đà Lạt được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tính đến năm 2005, tổng diện tích cà phê của Lâm Đồng là 117.400 ha/ tổng diện tích cây dài ngày của tỉnh 169.486 ha, trong đó hầu hết là chủng loại Robusta, diện tích cà phê kinh doanh hơn 114.152 ha. Với năng suất 18,5 tạ/ha, sản lượng cà phê nhân toàn tỉnh đạt 211.497 tấn. Hầu như cây cà phê có mặt ở 11/12 huyện, thị, thành trong tỉnh – trừ Cát Tiên hiện nay không còn cây cà phê. Vùng chuyên canh cây cà phê là các huyện Bảo Lâm (25.804ha), Di Linh (36.072ha) và Lâm Hà 32.061ha.

Hiện nay có khoảng gần 10 doanh nghiệp trong nước và liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu mua khoảng 20% cà phê nhân, đánh bóng để xuất khẩu. Các cơ sở, hộ gia đình chế biến thành các sản phẩm đồ uống tiêu thụ khoảng 10% cà phê nhân, 70% cà phê nhân còn lại chủ yếu bán thô ra ngoài tỉnh.

Trước năm 1975, Đà Lạt có 5 cơ sở rang cà phê nổi tiếng là Lễ Ký, Cao Nguyên, Tùng, Đà Lạt và Sao, phục vụ cho nội tiêu. Hiện nay, các thương hiệu Lễ Ký, Vĩnh Ích, Boss,… tuy chưa được quảng bá mạnh như cà phê Trung Nguyên nhưng cũng được nhân dân địa phương và du khách ưa chọn.

CÂY DÂU TẰM

Từ những năm 1954-1956, cây dâu đã được trồng và sản xuất thử ở Blao và Djiring với diện tích 10ha. Đến năm 1962, một trung tâm giống dâu được thành lập ở Bảo Lộc đã sản xuất khoảng 300.000 hộp trứng tằm và năm 1963 sản xuất được khoảng 1 triệu hộp trứng. Đồng thời, trung tâm này còn sản xuất 2 triệu hom dâu giống để cung cấp cho các tỉnh Quảng Ngãi, An Giang, Đắc Lắc. Ngoài trung tâm này, ở Di Linh còn có trại tằm tơ Gia Lành.

Cho đến năm 1978, cây dâu ở Lâm Đồng vẫn chưa được phát triển và nghề trồng dâu nuôi tằm chưa thực sự là một nghề thu hút được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Chỉ từ năm 1979, khi những người dân từ các tỉnh Hà Tây, Thái Bình, Hà Đông,… đến Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới đã khơi dậy nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây. Diện tích trồng dâu tăng rất nhanh và phân bố chủ yếu tại Bảo Lộc, Di Linh, Đơn Dương và vùng kinh tế mới Hà Nội. Trong những năm 1989-1993, trồng dâu nuôi tằm đã trở thành phong trào trong nông dân và đời sống của những người làm nghề này được cải thiện rõ rệt.

Thời kỳ thịnh vượng nhất của nghề dâu tằm Lâm Đồng là năm 1994, với diện tích dâu là 17.500ha, gấp hàng chục lần so với năm 1975 và chiếm tới 50% diện tích dâu của toàn quốc.

Cũng chính vào những năm này, Bảo Lộc được mệnh danh là “thủ đô dâu tằm” của cả nước với các nhà máy ươm tơ, dệt lụa hiện đại.

Tuy nhiên, sự phát triển thuận lợi đó nhanh chóng bị chấm dứt ngay từ năm 1995-1996 bởi ảnh hưởng của sự giảm mạnh giá tơ trên thế giới và những lý do chủ quan khác của Tổng công ty dâu tằm tơ.

Bắt đầu từ năm 1999, ngành dâu tằm tơ mới có dấu hiệu khôi phục dần. Đến cuối năm 2000, diện tích trồng dâu trong tỉnh đã tăng lên 3.644ha.

Đăng tin: Xuân Trường

Nguồn tin: Lâm Đồng_Đà Lạt

Cá thài bai sông Trà

Hinh minh hoa

Hinh minh hoa

Cá thài bai nhỏ xíu, chỉ bằng đầu đũa, thân hình giống hệt con cá bống. Giống “cá kim” này có hai loại, một loại có mầu trắng tinh từ đầu đến đuôi, loại kia toàn thân cũng là mầu trắng, chỉ khác phía trên sống lưng có một vệt đỏ sẫm. Cả hai loại đều sinh sôi nhiều ở cuối sông Trà (thuộc vùng Khuê Nam – xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh) và chỉ rộ vào những tháng của mùa xuân, tức từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch. Còn các mùa khác trong năm không thấy xuất hiện.

Chúng đi thành từng đàn, ngày đi đêm nghỉ, tìm tới chỗ có cồn cát, nước nông và trong để ngủ. Vào mùa xuân, nước sông Trà xanh như ngọc. Dùng thuyền nhỏ lướt nhẹ hoặc đứng ẩn nấp kín đáo chỗ nào đó trên bờ, rồi dõi mắt xuống dòng nước trong xanh, ta sẽ bắt gặp những đàn cá thài bai chuyển động. Ðàn cá đẹp tựa như dải lụa trắng, đỏ mịn màng. Biết rõ đặc tính và “đường đi nước bước” của loài cá này, nhà chài đã dẫn dụ bằng cách be cát lại thành tuyến dài, rồi đặt chiếc đó thật dày (làm bằng nan tre, mỏng và chắc) ở ngay đầu con nước. Anh em nhà cá mắc bẫy nối đuôi nhau chui hết vào trong đó, nhiều khi đầy nghẹt, phải đợi trút cá ra thúng, mủng, rồi lại đơm tiếp.

Cá thài bai thuộc loại đặc sản quý hiếm. Mỗi cân cá dao động khoảng từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng đắt hơn cá bống (sông Trà). Tuy đắt nhưng đối với những người được ăn một hay nhiều lần thì chẳng bao giờ so đo, mặc cả về giá cả, hễ ngoài chợ có bán là mua ngay về để cả nhà hoặc anh em bè bạn cùng được thưởng thức. Người xứ Quảng thường chế biến cá thài bai thành ba món: hấp, chiên và ram. Trong đó, món chiên là quen thuộc, phổ biến, được nhiều người ưa chuộng. Sau khi rửa thật sạch, ướp mắm muối và các loại gia vị, rồi bắc chảo mỡ lên bếp, phi hành cho thơm, cho cá vào để lửa cháy riu riu, khoảng 10 phút là cá vừa ngấm. Nhắc xuống, bày cá vào đĩa lớn, đi kèm đĩa rau sống sạch, đủ loại, cùng xấp bánh tráng mỏng để cuốn. Cá thài bai ram ăn cùng bánh tráng dày nướng chín, giòn là hợp nhất. Ðối với cánh mày râu, có thêm chút rượu Bàu Ðá (Bình Ðịnh) thì thật rôm rả. Cá thài bai vừa mềm vừa ngon. Mùi vị của nó thơm, quyến rũ lạ, khó có thể diễn tả hết bằng lời. Ai có dịp về Quảng Ngãi được thưởng thức một lần thì khó có thể quên được món ăn dân dã thú vị, đầy tình cảm của người dân xứ Quảng. (Theo ND)

Đăng tin: Xuân Trường

Nguồn tin: Quảng Ngãi

Cá thài bai sông Trà

Hình minh họa

Hình minh họa

Cá thài bai nhỏ xíu, chỉ bằng đầu đũa, thân hình giống hệt con cá bống. Giống “cá kim” này có hai loại, một loại có mầu trắng tinh từ đầu đến đuôi, loại kia toàn thân cũng là mầu trắng, chỉ khác phía trên sống lưng có một vệt đỏ sẫm.

Cả hai loại đều sinh sôi nhiều ở cuối sông Trà (thuộc vùng Khuê Nam – xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh) và chỉ rộ vào những tháng của mùa xuân, tức từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch. Còn các mùa khác trong năm không thấy xuất hiện. Chúng đi thành từng đàn, ngày đi đêm nghỉ, tìm tới chỗ có cồn cát, nước nông và trong để ngủ. Vào mùa xuân, nước sông Trà xanh như ngọc.

Dùng thuyền nhỏ lướt nhẹ hoặc đứng ẩn nấp kín đáo chỗ nào đó trên bờ, rồi dõi mắt xuống dòng nước trong xanh, ta sẽ bắt gặp những đàn cá thài bai chuyển động. Ðàn cá đẹp tựa như dải lụa trắng, đỏ mịn màng. Biết rõ đặc tính và “đường đi nước bước” của loài cá này, nhà chài đã dẫn dụ bằng cách be cát lại thành tuyến dài, rồi đặt chiếc đó thật dày (làm bằng nan tre, mỏng và chắc) ở ngay đầu con nước. Anh em nhà cá mắc bẫy nối đuôi nhau chui hết vào trong đó, nhiều khi đầy nghẹt, phải đợi trút cá ra thúng, mủng, rồi lại đơm tiếp.

Cá thài bai thuộc loại đặc sản quý hiếm. Mỗi cân cá dao động khoảng từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng đắt hơn cá bống (sông Trà). Tuy đắt nhưng đối với những người được ăn một hay nhiều lần thì chẳng bao giờ so đo, mặc cả về giá cả, hễ ngoài chợ có bán là mua ngay về để cả nhà hoặc anh em bè bạn cùng được thưởng thức.

Người xứ Quảng thường chế biến cá thài bai thành ba món: hấp, chiên và ram. Trong đó, món chiên là quen thuộc, phổ biến, được nhiều người ưa chuộng. Sau khi rửa thật sạch, ướp mắm muối và các loại gia vị, rồi bắc chảo mỡ lên bếp, phi hành cho thơm, cho cá vào để lửa cháy riu riu, khoảng 10 phút là cá vừa ngấm.

Nhắc xuống, bày cá vào đĩa lớn, đi kèm đĩa rau sống sạch, đủ loại, cùng xấp bánh tráng mỏng để cuốn. Cá thài bai ram ăn cùng bánh tráng dày nướng chín, giòn là hợp nhất. Ðối với cánh mày râu, có thêm chút rượu Bàu Ðá (Bình Ðịnh) thì thật rôm rả. Cá thài bai vừa mềm vừa ngon. Mùi vị của nó thơm, quyến rũ lạ, khó có thể diễn tả hết bằng lời. Ai có dịp về Quảng Ngãi được thưởng thức một lần thì khó có thể quên được món ăn dân dã thú vị, đầy tình cảm của người dân xứ Quảng. (Theo ND)

Đăng tin: Xuân Trường

Nguồn tin: Quảng Ngãi – VnExpress